“Gia đình” là một “món quà” vô giá, quý báu mà ông trời đã ban tặng cho mỗi người kể từ khi sinh ra. Có thể ví đây như “cái nôi” giúp nuôi dưỡng và hình thành nên những “tế bào” có ích cho xã hội. Thế nhưng, có một sự thật phũ phàng là không phải ai cũng đủ may mắn để sở hữu được món quà giá trị này. Vậy có bao giờ chúng ta tự hỏi tình cảm gia đình là gì và có tầm quan trọng như thế nào đối với cuộc sống không?
Tình cảm gia đình là gì? Đây là tình cảm cực kỳ thiêng liêng và cao quý, được xây dựng từ những người có mối quan hệ huyết thống và cùng sống chung dưới một cái nhà. Chẳng hạn như: tình cảm cha con, tình cảm mẹ con, tình cảm anh chị em trong nhà, hay tình cảm ông bà dành cho con cháu. Ý nghĩa của hai tiếng “gia đình” rất mộc mạc và giản dị. Chỉ đơn thuần là sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau cũng đủ tạo nên một mái ấm hạnh phúc.
Tình cảm gia đình là gì?
Tiểu thuyết gia người Pháp tên André Maurois có một câu danh ngôn mang đậm tính triết lý và nhân văn là “Gia đình là nơi bạn hành động ngu xuẩn nhất nhưng lại được yêu thương nhiều nhất”. Quả đúng là không sai vào đâu được! Bởi khi bạn bước chân ra ngoài xã hội, mọi sai lầm, hành động ngu xuẩn đều phải trả giá bằng nước mắt, tiền bạc và lòng tự tôn. Ngược lại, gia đình là nơi dù bạn làm bất cứ điều gì đi chăng nữa, thì đây mãi là một chỗ dựa tinh thần vững chắc, luôn chở che và không bao giờ bỏ rơi bạn.
Nhưng liệu rằng bạn có đang hiểu đúng về tình cảm gia đình là gì không? Thực chất, đây chính là tình cảm vô cùng thiêng liêng và quý giá, thường được hình thành từ những người có mối quan hệ máu mủ, ruột rà, cùng sống chung mái nhà. Trong đó, tiêu biểu nhất có thể kể đến như: tình cảm giữa cha mẹ và con cái, tình cảm của ông bà dành cho con cháu, tình cảm giữa anh chị em,…
Tuy nhiên, nếu đứng ở góc nhìn thực tế, thì bạn có thể thấy rằng bên ngoài xã hội có rất nhiều trường hợp mặc dù giữa các thành viên trong gia đình không cùng chung huyết thống. Nhưng, họ vẫn đối xử tử tế, thương yêu, chăm sóc lẫn nhau chẳng khác gì người thân ruột thịt cả. Cho nên, tình cảm gia đình không nhất thiết phải xuất phát từ những người chảy chung dòng máu. Chỉ cần mọi người sống dưới một mái nhà biết quan tâm, cảm thông, kính trọng và quý mến nhau cũng tạo nên một tổ ấm hạnh phúc, viên mãn.
Bên cạnh đó, nhờ vào tình cảm gia đình, giúp xóa tan đi mọi khoảng cách và rào cản, tạo ra một sợi dây “vô hình” gắn kết chặt chẽ các thành viên lại với nhau. Dù cho bạn có đi “tha phương cầu thực” hay xa quê nhà, thì trong tiềm thức và trái tim vẫn luôn hướng về một ngôi nhà ấm cúng. Mang lại cảm giác bình yên, vui vẻ, thoải mái, nhẹ nhàng mà không một nơi nào có được.
Thế nào là biểu hiện của một gia đình hạnh phúc?
Nhiều người thường hay nói “Tiền không mua được hạnh phúc”. Nhưng trên thực tế, nhất là trong thời đại này, hầu như tất cả mọi thứ đều bị chi phối bởi chữ “tiền”, kể cả tình cảm. Và đồng tiền là một nhân tố thiết yếu trong việc tạo dựng và duy trì một gia đình hạnh phúc.
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta quá “tôn sùng” tiền bạc, vật chất mà quên đi những chuẩn mực đạo đức cơ bản. Bởi lẽ, để có được một tổ ấm hạnh phúc thực sự, thì không chỉ cần có điều kiện kinh tế ổn định, mà kèm theo đó là các biểu hiện như sau:
– Sự chăm sóc, yêu thương, thấu hiểu, của ông bà, cha mẹ dành cho con cháu.
– Cha mẹ luôn cố gắng để con mình được sống trong một môi trường tốt nhất.
– Con cháu trong nhà luôn cư xử phải phép, biết kính trọng và hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Phấn đấu học tập tốt, gặt hái được nhiều thành công để không làm phụ lòng đấng sinh thành.
– Anh chị em sống hòa thuận, biết sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau. Không tị nạnh, đố kỵ hay tranh giành.
– Mọi thành viên trong gia đình luôn dành cho nhau tình cảm chân thành, sự tôn trọng và niềm tin. Đồng thời, có tấm lòng rộng lượng, biết bao dung, tha thứ cho những lỗi lầm đã qua. Không làm chuyện gì trái với luân thường đạo lý, gây sứt mẻ tình cảm trong nhà.
Tình cảm gia đình có ý nghĩa ra sao?
Tình cảm gia đình là một “thành trì” vững chắc, được gầy dựng và vun đắp bởi sự yêu thương, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi thành viên sống chung nhà. Cho nên, dù có bão tố, phong ba, chông gai kéo đến, thì “thành trì” này vẫn cứ đứng hiên ngang và không bao giờ sụp đổ. Nó mãi là một chỗ dựa kiên cố, luôn bảo vệ, bao bọc bạn những lúc gặp phải khó khăn, thách thức trong cuộc sống.
Khi bạn còn thơ bé, vô lo vô nghĩ, thì gia đình là nơi chắp cánh cho những ước mơ, hoài bão, khát vọng to lớn trong tương lai. Dạy bạn nhiều điều hay, lẽ phải, cách đối nhân xử thế và giữ trọn đạo hiếu.
Đến khi bạn lớn lên, bước chân ra đời, nếm phải mùi thất bại, tuyệt vọng. Thì chính tình cảm gia đình là một nguồn năng lượng tích cực, tiếp thêm nhiều sức mạnh và động lực, giúp bạn vực dậy tinh thần. Tiếp tục đứng lên phấn đấu, nỗ lực hết mình, quyết tâm không đầu hàng trước số phận.
Tình cảm gia đình mang lại những giá trị gì?
Trong cuộc sống
Mỗi gia đình chính là một “tế bào” của xã hội. Một gia đình tốt, đề cao sự giáo dục, nề nếp, kỷ luật thì mới có thể tạo ra những con người tài giỏi, có nhân cách tốt. Đóng góp không nhỏ vào công cuộc phát triển xã hội ngày càng văn minh, tiên tiến và hiện đại. Cũng như đem lại nhiều giá trị có ích cho mọi người trong cộng đồng.
Trái lại, gia đình nào chỉ tồn tại những điều tiêu cực, vô đạo đức, thì thường làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh xã hội. Bởi lẽ, cha mẹ đã không tốt thì làm sao dạy con cái nên người, sống có ích được. Thậm chí, điều này còn để lại không ít mối nguy hại, tệ nạn, khiến cho vấn đề về an sinh xã hội bị xuống cấp trầm trọng.
Trong nhân cách của con người
Người ta thường nói “Con cái chính là hình ảnh phản chiếu của cha mẹ”. Hiểu rộng ra thì có nghĩa là bản tính của con người như thế nào phần lớn đều phụ thuộc rất nhiều từ cách giáo dục của gia đình. Cũng đúng thôi! Bởi gia đình là nền tảng cơ bản giúp hình thành nên nhân cách ở mỗi người. Là “cái nôi” nuôi bạn khôn lớn về cả thể xác lẫn nhận thức. Và chính cách giáo dục, tư duy của cha mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của con cái sau này.
Nếu bạn sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, tri thức, chứa chan tình yêu thương. Thì chắc chắn bạn sẽ được mài giũa, rèn luyện nhân cách từ khi còn nhỏ tuổi. Được học những điều tốt đẹp, nhân văn, để biết cách hành xử sao cho phải đạo, sống có ý thức và trách nhiệm. Và chỉ khi bạn đã “thành nhân” rồi, thì bạn mới có thể dễ dàng tạo ra nhiều thành tựu trong cuộc sống và làm một “tấm gương sáng” cho hậu thế noi theo.
Trái lại, khi bạn sống trong ngôi nhà chứa đầy nỗi bất hạnh, tăm tối và vô giáo dục. Dần dần bạn sẽ bị lây nhiễm vào đầu những thói hư, tật xấu, và không biết phân định đúng sai, phải trái, cái gì nên làm, cái gì không.
Dẫn đến việc bạn dễ bị dụ dỗ, sa đà vào tệ nạn và gần như mất định hướng trong tương lai. Và nếu bạn cứ mãi duy trì lối sống, nhận thức như vậy, thì đảm bảo sự tha hoá này vẫn tiếp tục tái diễn ở đời con cháu và tạo thành một “vòng lặp” không có hồi kết.
Hy vọng rằng, thông qua những chia sẻ hữu ích trong bài viết này, bạn đã hiểu rõ ý nghĩa của tình cảm gia đình là gì. Cũng như biết được vai trò, ý nghĩa quan trọng của gia đình đối với xã hội và tính cách con người là như thế nào. Hãy nhớ luôn biết yêu thương, giữ gìn mái ấm hạnh phúc của mình khi còn có thể bạn nhé!